
Giống như sư tử đá, tỳ hưu phong thủy cũng là một trong những vật phẩm được trang trí nhiều ngoài cổng, cửa ra vào. Hơn nữa, tượng tỳ hưu còn được bài trí ở nhiều nơi trong nội thất căn nhà hoặc dùng làm đồ trang sức cho con người. Đây là vật phẩm phong thủy được biết đến với tác dụng chủ yếu là chiêu tài lộc. Bởi hình dáng đặc biệt của nó, không có hậu môn và thích ăn vàng bạc, châu báu.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải loại tỳ hưu nào cũng có tác dụng chính là chiêu tài lộc. Một số loại tỳ hưu phong thủy còn có công dụng trừ tà khí tương tự như sư tử đá. Thậm chí, ngay cả khi lựa chọn đúng loại tỳ hưu nhưng bài trí không đúng cách, tỳ hưu cũng sẽ không thể phát huy tác dụng của mình. Vậy, có những loại tỳ hưu phong thủy nào? Khi sử dụng chúng, ta nên lưu ý điều gì để tỳ hưu phát huy tối đa tinh lực của mình?
Tỳ hưu phong thủy và ý nghĩa của chúng
Truyền thuyết về tỳ hưu
Tỳ hưu (tên tiếng anh: Pixiu) là linh vật có hình dáng gần giống kỳ lân. Chúng thường được thờ phụng với ngụ ý nghĩa mang tới sự tài lộc, bình an cho người sở hữu.
Mỗi linh vật đều gắn liền với một truyền thuyết và Tỳ hưu cũng vậy. Truyền thuyết về Tỳ hưu được tương truyền rằng, Tỳ hưu là đứa con thứ chín của Long Vương. Từ khi sinh ra, Tỳ hưu đã là sinh vật đẹp nhất với đầy đủ những bộ phận đẹp nhất của các loài vật khác. Dáng của sư tử. Đầu của rồng. Thân của ngựa. Chân của kỳ lân.
Tương truyền, tỳ hưu là sinh vật rất thích ăn vàng, bạc, châu báu. Song, chúng lại không có hậu môn nên chỉ có thể thu vào mà không thể nhả ra. Do đó, khi chết đi, Tỳ hưu trở thành linh vật chiêu tài lộc và ngăn cản tà khí.
Trong phong thủy, Tỳ hưu là linh vật mang lại may mắn về tài lộc, sức khỏe, công danh sự nghiệp và trấn trạch trừ tà khí, bảo vệ sự bình yên cho ngôi nhà. Ngoài ra, Tỳ hưu còn có tác dụng hóa giải “Ngũ hoàng Đại sát” – một sát tinh trong phong thủy thường gây điều bất lợi cho các thành viên trong gia đình về sức khỏe và tài vận.
Hai loại tỳ hưu
Theo nhân gian truyền tụng, Tỳ hưu có hai loại với tên gọi và ý nghĩa khác nhau. Loại thứ nhất là Tỳ hưu Thiên Lộc. Đây là loại Tỳ hưu có dáng vẻ uy phong. Bụng và mông to, miệng rất rộng, trên đầu có hai sừng. Thức ăn chính của Tỳ hưu Thiên Lộc là vàng, bạc và châu báu. Do đó, ý nghĩa phong thủy của Tỳ hưu Thiên Lộc là bảo vệ của cải, mang lại sự giàu sang cho gia chủ.
Loại thứ hai là Tỳ hưu Tịch Tà. Đây là loại Tỳ hưu có miệng luôn há rộng với vẻ ngoài dữ tợn. Trên đầu có duy nhất một sừng. Theo truyền thuyết, Tỳ hưu Tịch Tà thường dùng sừng của mình để tấn công các loại yêu ma. Thức ăn chính của chúng là các sinh khí của yêu ma. Do đó, Tỳ hưu Tịch Tà được xem là linh vật phong thủy xua đuổi tà ma, mang lại sự bình an cho gia chủ.
Cách chọn tỳ hưu phong thủy theo mệnh
Tuy nhiên, để Tỳ hưu phát huy được hết ý nghĩa, chủ nhân cần lựa chọn loại Tỳ hưu có màu sắc phù hợp với mệnh của mình.
Mệnh Kim thích hợp với Tỳ hưu màu trắng. Chúng thể hiện sự tinh khiết và hòa hợp giữa chủ nhân và linh vật. Ngoài ra, Tỳ hưu màu vàng và xám cũng là hai màu tương sinh thích hợp. Chúng gồm Tỳ hưu vàng (18k hoặc 24k), Tỳ hưu bạc, Tỳ hưu gỗ, Tỳ hưu bằng đồng, Tỳ hưu đá thạch anh tóc vàng, Tỳ hưu đá mắt hổ.
Mệnh Thủy thích hợp với Tỳ hưu màu trắng, màu xanh dương và màu đen. Bạn có thể tham khảo Tỳ hưu bọc bạc, Tỳ hưu thạch anh tóc xanh, Tỳ hưu sapphire xanh, Tỳ hưu ngọc phỉ thủy, Tỳ hưu thạch anh đen, Tỳ hưu bạch ngọc.
Mệnh Mộc thích hợp với Tỳ hưu màu đen, màu xanh biển, màu xanh lam và màu xanh da trời. Các vật phẩm phong thủy này gồm Tỳ hưu ngọc phỉ thúy, Tỳ hưu thạch anh đen, Tỳ hưu ngọc bích, Tỳ hưu cẩm thạch.
Mệnh Hỏa thích hợp với Tỳ hưu màu đỏ, màu hồng, màu tím,… Tức bao gồm Tỳ hưu ngọc huyết, Tỳ hưu thạch anh tím, Tỳ hưu chỉ đỏ.
Mệnh Thổ thích hợp với Tỳ hưu màu vàng, màu đỏ và màu nâu. Như vậy, bạn có thể lựa chọn Tỳ hưu làm bằng vàng, Tỳ hưu gỗ hương hoặc Tỳ hưu mạ vàng.
Tỳ hưu phong thủy và một số lưu ý khi sử dụng
Cách sử dụng tỳ hưu đúng cách
Tỳ hưu đặt trong két sắt, bàn thần tài, trên mặt tủ, bệ cao,…nên đặt thành cặp với miệng hướng ra phía cửa chính hoặc cửa phòng và không đặt ngược lại. Khi đeo cổ, miệng Tỳ hưu phải hướng lên trên, đuôi hướng xuống đất. Điều này ngụ ý tài lộc từng bước thăng tiến. Bạn tuyệt đối không làm ngược lại.
Nhẫn Tỳ hưu được chế tác theo hai hướng. Một là xoay ngang. Hai là xoay dọc với miệng hướng ra ngoài. Đuôi hướng vào lòng bàn tay để hút tài lộc từ bên ngoài vào. Tránh đặt ngược lại.
Nhiều người bán vòng tay thường xỏ dây qua miệng và đít Tỳ hưu. Nhưng như thế là sai phong thủy. Việc xỏ dây như vậy sẽ làm tài lộc thoát ra ngoài. Ngoài ra, Tỳ hưu cũng có thể bỏ vào túi nhung đỏ và mang theo bên người cũng rất tốt.
Những điều cần tránh khi sử dụng tỳ hưu phong thủy
- Khi tắm rửa không nên đeo Tỳ hưu để tránh bị hao mòn do chất tẩy rửa.
- Không để Tỳ hưu dính máu bởi Tỳ hưu rất kỵ máu, sẽ làm giảm linh lực.
- Không nên tặng Tỳ hưu của mình cho người khác. Đồng thời, không sờ vào miệng Tỳ hưu vì điều này sẽ làm mất lộc.
- Ánh sáng phản chiếu từ gương sẽ gây bất lợi cho Tỳ hưu. Vì thế, bạn nên tránh quay đầu Tỳ hưu về phía gương.