Trong thời buổi công nghệ hiện nay, mọi thứ càng đơn giản, tích hợp nhiều công năng thì càng được ưa chuộng. Trong thiết kế nhà cũng vậy, Minimalism – tối giản là phong cách được nhiều người lựa chọn và yêu thích. Bởi phong cách tối giản nhưng vẫn có sự hài hòa cơ bản và điểm nhấn riêng. Màu sắc ít đa dạng là đặc điểm tiêu biểu để nhận diện xu hướng thiết kế này. Có lẽ không ít người đã nghe tới phong cách minimalism nhưng không phải ai cũng hiểu nó là gì. Nếu bạn cũng nằm trong số đó thì hãy đọc ngay bài viết của chúng tôi dưới đây nhé!
Phong cách thiết kế Minimalism
Trong thiết kế nội thất, phong cách minimalism đặc biệt được ưa chuộng. Phong cách này thể hiện sự đơn giản nhưng lại tinh tế và hiện đại. Không cần quá nhiều nội thất, chi tiết, đường nét nhưng vẫn đáp ứng được yếu tố thẩm mỹ. Tạo nên một không gian hài hòa lại vô cùng thoáng đãng, rộng rãi.
Thiết kế nội thất theo phong cách minimalism cực kỳ phổ biến tại châu Âu. Tối giản trong thiết kế là đơn giản hóa nhiều thành phần như đường nét, kiểu dáng hay các chi tiết trang trí. Đặc điểm chính của phong cách này là thiết kế từ khoảng trống đến khoảng đặc của đồ nội thất cũng như ánh sáng lẫn khoảng tối của không gian nội thất.
Nguyên tắc thiết kế theo phong cách Minimalism
Phong cách tối giản được nhiều gia chủ Việt ưa chuộng song không phải ai cũng biết các nguyên tắc để tạo nên không gian tối giản. Phong cách nội thất tối giản sử dụng những đường nét đơn giản, giảm thiểu đồ đạc, ít chi tiết nhằm tạo ra một không gian hài hòa, thông thoáng nhất. Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Linh, đại diện một văn phòng chuyên thiết kế nội thất phong cách tối giản ở Hà Nội, để làm nhà kiểu này, gia chủ Việt nên biết 5 nguyên tắc sau đây.
Không gian thoáng đãng
Trái với các phong cách như tân cổ điển, không gian một công trình mang phong cách nội thất tối giản phải đảm bảo tính thoáng đãng.
Thay vì những chi tiết phào chỉ và trang trí, tường, trần và sàn trong phong cách tối giản được để phẳng nhằm tạo khoảng trống lớn. Cách xử lý này vừa tối ưu diện tích sử dụng vừa tạo cảm giác xuyên suốt; đặc biệt cần thiết với những căn hộ nhỏ.
Sử dụng trên dưới ba màu
Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong mọi phong cách thiết kế. Nó không chỉ tăng tính thẩm mỹ cho không gian mà còn thể hiện một phần tính cách của gia chủ.
Với phong cách nội thất tối giản, gia chủ không nên sử dụng quá ba màu sắc chính, bao gồm một màu nền, một màu chủ đạo và một màu làm điểm nhấn. “Trong đó màu chủ đạo chiếm 60%, màu nền 30% và màu nhấn 10%”, KTS Linh lưu ý.
Màu nền được hiểu là màu của tường, trần, sàn còn màu chủ đạo là các đồ gỗ trong nhà hoặc các mảng ốp trang trí. Nếu muốn, gia chủ có thể chọn màu nền giống màu chủ đạo. Màu nhấn thường được dùng cho một số món nội thất đặc biệt như sofa.
Hấp thu ánh sáng tự nhiên
Bất cứ phong cách nội thất nào cũng đề cao ánh sáng. Đối với phong cách nội thất tối giản, do hạn chế về việc sử dụng màu sắc, ánh sáng càng trở nên quan trọng. Nó được xem như một thành phần trang trí để tạo các hiệu ứng về thị giác và thẩm mỹ; đồng thời đem tới cảm giác thư thái cho gia chủ.
Nếu căn phòng có quá nhiều ánh sáng tự nhiên, bạn hãy lắp rèm điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào. Tùy vào mức độ chắn ánh sáng mong muốn mà gia chủ chọn độ dày rèm cho phù hợp. Về màu sắc, rèm nên cùng tông với màu chủ đạo của nhà.
Vật liệu thiết kế tự nhiên
Vật liệu nội thất phong phú và theo sở thích cá nhân từng gia chủ. Tuy vậy, phong cách nội thất tối giản hay ưu tiên các vật liệu tự nhiên như gỗ, bê tông, tre bởi chúng gợi sự mộc mạc, gần gũi. Màu sắc của chúng cũng dễ hợp với nhiều cách phối màu khác nhau.
Nội thất đơn giản, đa chức năng
Đơn giản là tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn nội thất cho không gian tối giản. “Ngoài việc lựa chọn đồ nội thất phù hợp với mục đích sử dụng. Gia chủ nên ưu tiên các sản phẩm có kết cấu hình học, bề mặt trơn nhẵn, bóng sạch, ít chi tiết và phù hợp với thiết kế tổng hợp của căn phòng”, KTS Linh khuyên.
Lưu ý, để tối ưu không gian, các nội thất nên tích hợp nhiều chức năng. Ví dụ, giường có ngăn để đồ bên dưới. Về màu sắc nội thất, bạn có thể chọn màu ngược với màu tường để làm điểm nhấn; hoặc đồng màu với tổng thể không gian. Tỷ lệ bố trí nội thất trong phòng đẹp nhất là 20%.